Sau hơn 01 năm kể từ ngày Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực, một số doanh nghiệp vẫn trong tình trạng “hoang mang” trong quá trình thực hiện.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân là gì?
Dữ liệu cá nhân (DLCN) là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Ví dụ như tên, tuổi, tình trạng hôn nhân,…
Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến DLCN. Việc vi phạm quy định bảo vệ DLCN sẽ khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy các doanh nghiệp cần lưu ý điều gì trong quá trình hoạt động để tuân thủ quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP?
Những việc doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ dữ liệu cá nhân?
Kiểm tra và xác định vai trò
Vì Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định các quyền và nghĩa vụ tương ứng tùy theo vai trò mỗi chủ thể. Do vậy, doanh nghiệp cần kiểm tra và xác định vai trò của mình trong hoạt động xử lý DLCN. Cụ thể, doanh nghiệp là Bên Kiểm soát DLCN hay Bên Xử lý DLCN hay cả hai? Để từ đó, doanh nghiệp xác định được cần tuân thủ theo quy định có liên quan nào.
Rà soát và cập nhật quy định nội bộ
Sau khi xác định vai trò của mình, doanh nghiệp nên tiến hành rà soát điều chỉnh các quy định hồ sơ nội bộ tương ứng. Một số tài liệu liên quan mà doanh nghiệp cần lưu ý như nội quy lao động, HĐLĐ,…
Xây dựng và ban hành các điều khoản, chính sách bảo về DLCN
Doanh nghiệp nên ban hành các chính sách hoặc điều khoản về bảo vệ và xử lý DLCN. Các chính sách này không chỉ bảo vệ DLCN của chính doanh nghiệp mà còn giúp miễn trừ các trách nhiệm trong quá trình xử lý DLCN. Doanh nghiệp có thể tham khảo các chính sách điều khoản về bảo vệ DLCN của một số doanh nghiệp lớn được đăng tải công khai.
Trong bối cảnh quy định của Nghị định 13 còn mới và chưa thực sự hướng dẫn cụ thể đã tạo không ít thách thức cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề cần thiết trong thời đại số hiện nay. Do vậy, doanh nghiệp cũng cần thực hiện kịp thời để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.
Xem thêm các bài viết có liên quan khác tại:
- Quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
- Các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp
- Các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam
- Doanh nghiệp FDI là gì? Điều kiện thành lập doanh nghiệp FDI
Theo dõi thêm Góc Pháp Lý tại: Góc Pháp Lý