Thực tế hiện nay, nhiều công ty đang áp dụng việc phạt tiền hoặc trừ lương người lao động (NLĐ) đi làm trễ . Vậy thì việc áp dụng phạt tiền hoặc trừ lương NLĐ này có phù hợp quy định pháp luật không?
Người lao động đi làm trễ, xử sao cho đúng?
NLĐ có nghĩa vụ chấp hành nội quy lao động do công ty (NSDLĐ) ban hành. Trong đó, có nội dung về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Khi người lao động đi làm trễ, tức là vi phạm quy định về thời giờ làm việc. Hay nói cách khác, người lao động đã vi phạm nội quy lao động. Khi đó, NSDLĐ có quyền xử lý kỷ luật lao động.
Một trong các hành vi nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động là Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Việc khấu trừ lương phải tuân thủ quy định sau đây:
- Chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ theo quy định BLLĐ;
- NLĐ có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình;
- Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng sau khi trích nộp BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, thuế TNCN.
Công ty phạt tiền, trừ lương người lao động đi làm trễ thì bị phạt như thế nào?
Theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với NSDLĐ dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Đồng thời, công ty còn phải trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho NLĐ.
Để bảo vệ quyền lợi của mình thì NLĐ cần nắm rõ quy định trên khi bị áp dụng trừ lương, phạt tiền. Tuy nhiên, tránh phát sinh các tranh chấp không đáng có thì NLĐ nên tuân thủ nội quy lao động, đi làm đúng thời gian quy định.
Xem thêm các bài viết khác liên quan tại:
- Doanh nghiệp có được ký Hợp đồng dịch vụ với cá nhân?
- Doanh nghiệp có được ký Hợp đồng CTV với cá nhân?
- Quy định cần biết về Cổ phiếu Esop
- Doanh nghiệp có bắt buộc thành lập công đoàn cơ sở?
Theo dõi thêm Góc Pháp Lý tại: Góc Pháp Lý